Xuất gia Pháp Loa

Theo sách cổ, Đồng Kiên Cương còn nhỏ đã có chí khác thường, không nói lời ác, không thích ăn đồ cay nồng và thịt, cá.[1][2]

Năm 1293, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Thuyên, tức Trần Anh Tông. Năm 1299, thượng hoàng Nhân Tông lên núi Yên Tử (Quảng Ninh) sống đời sa-môn, lấy đạo hiệu "Điều Ngự Giác Hoàng". Năm 1304, Điều Ngự đi khắp nơi trong nước, có ý tìm người kế thừa. Khi xa giá vừa đến thôn, Đồng Kiên Cương đỉnh lễ xin xuất gia, Trần Nhân Tông bảo ngay: "Đứa bé này có đạo nhãn, sau này hẳn là pháp khí", mới đặt tên ông là Thiện Lai (善來) cho theo về thụ giới Sa-di. Khi về liêu Kỳ Lân núi Linh Sơn (Chí Linh, Hải Dương), Điều Ngự lại bảo Thiện Lai đến chùa Quỳnh Quán học nơi Hoà thượng Tính Giác.[2] Ông hỏi rất nhiều điều nhưng hoà thượng vẫn chưa giải đáp triệt để. Không thỏa mãn, ông bèn nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm, khi chiêm nghiệm chỗ tôn giả A-nan-đà (Ānanda) hỏi Phật bảy lần về vị trí của tâm và đoạn ví dụ khách trần thì có sở đắc.[1]

Sau một thời gian ở Quỳnh Quán, Thiện Lai từ tạ trở về với Điều Ngự. Khi Điều Ngự lên pháp đường đọc bài tán Thái dương ô kê, Thiện Lai có phần chứng ngộ. Điều Ngự bèn cho ông theo hầu bên mình. Một hôm, ông dâng ba bài tụng nhưng cả ba đều bị chê. Điều Ngự khuyên ông phải tự tham. Ông vào phòng đầu óc nặng trĩu, thức đến quá nửa đêm, nhìn thấy bông đèn tàn rụng xuống bỗng nhiên đại ngộ. Điều Ngự âm thầm ấn khả cho ông. Từ đây, ông lập chí tu theo 12 hạnh Đầu-đà.[1]

Năm 1305, Điều Ngự đích thân truyền Giới Thanh văn và Giới Bồ Tát cho ông. Điều Ngự thấy Thiện Lai tu tập tiến bộ nên bạn đạo hiệu Pháp Loa. Năm 1306, Điều Ngự cử Pháp Loa làm chủ giảng tại chùa Báo Ân. Tại đây ông gặp người đệ tử tương lai – Huyền Quang lần đầu tiên, lúc đó ông mới 23 tuổi. Bấy giờ, Huyền Quang đã thọ giới với Bảo Phác, đi cùng thầy mình đến chùa Báo Ân nghe thuyết pháp. Điều Ngự thấy vậy bèn nhận Huyền Quang làm thị giả[1]. Tháng 4 âm lịch năm 1307, Điều Ngự an cư ở am Thiên Bảo, có 7-8 thị giả theo hầu. Xét thấy Pháp Loa là người đứng đầu trong các thị giả, Điều Ngự thuyết Đại Tuệ Ngữ Lục cho ông nghe. Tháng 5 âm lịch năm này, ông theo Điều Ngự lên ở am Ngọa Vân, núi Yên Tử. Ngày rằm tháng này, Điều Ngự làm lễ "bố tát", sau đó cho các đệ tử khác xuống núi, chỉ giữ Pháp Loa ở lại. Điều Ngự đem y bát và tâm kệ giao phó ông, cùng lời dặn phải giữ gìn.[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Pháp Loa http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/lich-... http://hoavouu.com/images/file/WLyZhmAx0QgQAORd/th... http://truclambachma.net/thien-tong/380-bai-hoc-tu... http://thuvienhoasen.org/images/file/XRjnjp1G0QgQA... http://thuvienhoasen.org/p58a8402/chuong-xiii-thie... http://phatgiao.org.vn/tu-lieu/201304/Nhi-To-Phap-... http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-s... http://www.vnbet.vn/tam-to-thuc-luc/phan-hai-vi-to... https://thuvienhoasen.org/images/file/0IoOz6cS0wgQ...